Cho người nước ngoài được mua bất động sản du lịch – Nên hay không?
Phân khúc BĐS du lịch liên tục phát triển mạnh khoảng 5 năm qua. Đến nay, quy mô thị trường
ước đạt khoảng 23 tỷ USD với hàng trăm nghìn sản phẩm, góp phần thay đổi diện mạo du lịch Việt Nam.
LTS: Kể từ khi bùng nổ vào năm 2015, BĐS du lịch đến nay đã phát triển rất mạnh mẽ trong 5 năm qua với đa dạng các loại hình sản phẩm từ biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch, nhà phố, second home,…Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, đến nay quy mô thị trường BĐS du lịch vào khoảng 23 tỷ USD, với khoảng 82.900 căn hộ du lịch, 28.099 biệt thự du lịch và 15.663 căn nhà phố. Mới đây, số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, hiện nay thị trường BĐS nghỉ dưỡng đang ghi nhận khoảng 48 dự án 48 dự án với 18.549 căn hộ du lịch và 3.359 biệt thự du dịch đang triển khai.
Điều này cho thấy, BĐS du lịch đã phát triển mạnh mẽ, góp phần thay đổi diện mạo ngành du lịch Việt Nam, cũng như cơ sở hạ tầng du lịch ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, phân khúc này thời gian gần đây cũng đã trải qua không ít "sóng gió", nhất là khâu pháp lý chưa thống nhất, dẫn đến nhiều khó khăn cho BĐS du lịch phát triển mặc dù còn rất nhiều tiềm năng bứt phá. Vì thế, chúng tôi khởi đăng chuyên đề "Cho người nước ngoài mua BĐS du lịch - Có nên không?" để độc giả có cái nhìn toàn diện hơn về bức tranh BĐS du lịch Việt Nam, cũng như đề xuất đáng chú ý mới đây của Bộ Xây dựng về việc cho người nước ngoài được mua BĐS du lịch.
Bài 1: Cho người nước ngoài được mua bất động sản du lịch – Nên hay không?
Đề xuất này ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của giới kinh doanh BĐS, giới chuyên gia cũng như dư luận, bởi nếu được thông qua rất có thể sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của phân khúc nhiều tiềm năng này trong tương lai. Một đề xuất được nhiều chuyên gia ủng hộ, nhưng cũng có một số ý kiến ngược lại bởi những ảnh hưởng tiêu cực đến cục diện chung.
Theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành thì người nước ngoài mới chỉ được mua và sở hữu nhà ở (quy định trong Luật nhà ở và Luật kinh doanh BĐS). Cụ thể, cá nhân, tổ chức nước ngoài chỉ được sở hữu không vượt quá 30% tổng số lượng căn hộ tại tòa nhà chung cư, không quá 10% hoặc 250 căn nhà thấp tầng tại dự án nhà ở. Cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà tối đa 50 năm và được phép gia hạn không quá 50 năm. Còn loại hình BĐS du lịch thì chưa có quy định nào tại 2 luật trên.
Vì thế, Bộ Xây dựng cho biết, đang nghiên cứu, kiến nghị trình Thủ tướng sửa đổi Luật nhà ở, Luật kinh doanh BĐS theo hướng tăng tỉ lệ sở hữu nhà ở người nước ngoài và các tổ chức nước ngoài trong mỗi tòa chung cư. Đồng thời, kiến nghị cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các BĐS du lịch tại Việt Nam.
Đối với BĐS du lịch, tại một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…đều đã có quy định cho người nước ngoài mua BĐS nghỉ dưỡng. Chẳng hạn Malaysia có hẳn chương trình "Malaysia my second home" để kích cầu mua BĐS nghỉ dưỡng của người nước ngoài đã sinh sống 10 năm. Theo thống kê thì (2002 – 2018) nước này đã có 42.271 người nước ngoài mua nhà.
Tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật (Luật nhà ở 2014) cá nhân, tổ chức người nước ngoài được phép mua nhà ở cũng đã đem lại tín hiệu rất tích cực cho thị trường BĐS cao cấp và hạng sang. Kể từ 2015 đến nay, nguồn cung căn hộ cao cấp và hạng sang tại Tp.HCM hay Hà Nội liên tục gia tăng mạnh và hấp thụ tốt. CBRE Việt Nam ghi nhận giá căn hộ hạng sang ở trung tâm luôn gia tăng hàng năm (tăng 17% vào 2018, tiếp tục dự báo tăng thêm 10% trong năm 2020), tỷ lệ hấp thụ đạt gần 90%.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng nên để người nước ngoài
mua và sở hữu biệt thự biển và condotel tại các dự án BĐS du lịch, nhưng không làm thay đổi bản chất dự án đó.
Rõ ràng, đây là một nguồn cầu tốt và khả thi cho phân khúc BĐS cao cấp nói chung và BĐS du lịch nói riêng tại Việt Nam tiếp tục phát triển bùng nổ trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh BĐS du lịch đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy, đa số chuyên gia trong ngành ủng hộ đề xuất này của Bộ Xây dựng, và cho rằng sẽ có tác động tích cực đến phân khúc này.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Việt Nam đúng top 3 về năng lực cạnh tranh du lịch, mục tiêu đón 30-35 triệu khách quốc tế vào năm 2030. Đây là một thách thức không nhỏ bởi cơ sở hạ tầng du lịch cao cấp tại Việt Nam vẫn còn thiếu. Còn về việc cho người nước ngoài mua và sở hữu BĐS du lịch, theo ông Đính thì họ cũng chỉ là nhà đầu tư thứ cấp nên thu hút nguồn vốn này cũng là cách để hoàn thiện hạ tầng cho ngành du lịch. Do vậy, nên để người nước ngoài mua condotel hay biệt thự du lịch trong các dự án BĐS du lịch, nhưng không làm thay đổi bản chất dự án đó, buộc phải tham gia kinh doanh dự án đó.
Tuy vậy, cũng đã có nhiều ý kiến chuyên gia lo ngại việc cho người nước ngoài mua và sở hữu BĐS du lịch sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Trên thực tế, gần đây tình trạng người nước ngoài "núp bóng" người Việt để sở hữu BĐS ven biển đã diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là những thị trường lớn như Đà Nẵng, Nha Trang cũng đã gây ra nhiều xáo trộn, hệ lụy xã hội trong công tác quản lý. Chính vì thế, nhiều chuyên gia trong ngành nhìn nhận, cho người nước ngoài mua và sở hữu BĐS du lịch là có lợi cho thị trường nhưng cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ.